Cái lạnh của xứ Huế kéo chân tôi tới một món ăn cay nóng- Hủ tiếu. Tuy không phải đặc sản của riêng Huế nhưng hủ tiếu ở đây có vị rất riêng, rất Huế. Tôi thích cảm giác ngồi quán lề đường, vừa thưởng thức một tô hủ tiếu cay nóng vừa nhìn cách mà người ta nhúng sợi hủ tiếu để sợi hủ tiếu phải vừa chín tới, không quá dai cũng không bị nát. Theo như lời anh Tùng- chủ quán hủ tiếu ở Ngự Bình cho biết: sợi hủ tiếu nên cho vào nước nóng lăn tăn, bởi nếu nhúng nước sôi quá làm sợi hủ tiếu dễ bị nát làm mất vị và thẩm mỹ của món ăn. Rau quế, ngò tây và giá là rau ăn kèm với hủ tiếu. Mỗi tô hủ tiếu bạn chọn sẽ có đặc trưng riêng: hủ tiếu chả trứng có 5-7 lát chả và 4 quả trứng cút luộc, khi tách quả trứng lòng đỏ trứng hòa cùng nước dùng có vị ngọt bùi rất riêng; với tô hủ tiếu bò tái, thịt bò được đầu bếp cắt lát thật mỏng trúng qua nước dùng sôi cho chín vừa, đều và ngọt chất vị thịt bò; tô hủ tiếu sườn, miếng sườn được ninh nhừ, béo ngọt. Khi gọi một tô hủ tiếu, khói bốc lên cùng với mùi thơm của nước dùng thật kích thích vị giác con người. Tùy vào khẩu vị bạn có thể cho thêm ớt và chanh, màu của ớt tao dầu hòa tan vào tô hủ tiếu tạo nên màu cam đỏ đẹp mắt.
Cảm nhận tô hủ tiếu cay nóng cũng như những chàng trai Huế: ấm áp, nồng nàn và ngọt ngào. Sợi hủ tiếu dai, nước dùng đậm vị, mùi thơm của ngò tây, rau quế, rắc thêm ít tiêu vào thì khó ai mà cầm lòng được. Hủ tiếu Huế đúng chất phải ăn ở quán ven đường, bởi cái se lạnh mưa phùn đặc trưng của xứ Huế mộng mơ như tôn lên sự ngọt thanh, nóng và cay nồng của hủ tiếu. Sự đặc biệt của tô hủ tiếu Huế phải chăng là khung cảnh mà ta ngồi thưởng thức, là cái tiết trời đặc biệt của vùng đất cố đô này.
(Thúy Hằng)