Cá nục hấp cuốn bánh tráng là món ăn quen thuộc đối với nhiều người dân vùng biển nói chung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Thông thường, người nấu sẽ hấp cá theo cách phổ biến là dùng nồi hấp, không tẩm ướp quá nhiều để cá giữ được vị đặc trưng.
Cá phải là cá tươi để bảo đảm độ ngon cho món ăn, nếu không tươi sẽ có mùi tanh khi chế biến. Cá nục tươi sau khi được làm sạch sẽ được ướp với tiêu, tỏi, ớt, gừng, chút bột ngọt và muối rồi đem hấp cách thủy. Cách ướp này giúp thịt cá giữ được vị ngọt và không tanh. Một số quán ăn, nhà hàng còn sử dụng thêm giấy bạc để hấp cá, bởi loại giấy này dẫn nhiệt tốt, giúp cá mau chín lại giữ được nước ngọt trong cá, giúp món cá nục hấp tròn vị hơn. Nước cá hấp tiết ra hòa cùng gia vị ướp cá sẽ là loại nước chấm hấp dẫn, cực kỳ "bắt vị" với bánh tráng và rau sống. Hấp chừng 15 phút là cá đã chín, tỏa mùi thơm hấp dẫn. Lúc này, thực khách chỉ việc trải một miếng bánh tráng, cho lên một chút rau sống, gắp một miếng cá nục rồi cuộn lại. Rau ăn kèm với cá thường là rau sống đủ loại như xà lách, hành ngò, dưa leo... hoặc rau muống sống. Món cá nục hấp cuốn bánh tráng với vài nguyên liệu mộc mạc, dễ tìm, quen thuộc, chỉ vậy thôi mà cuốn hút khẩu vị của biết bao người, trở thành một trong những món ăn nên thử khi đến các tỉnh, thành ở duyên hải miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Quảng Nam.
Bên cạnh món cá nục hấp cuốn bánh tráng, không thể không kể đến một món ăn dân dã gắn liền với bánh tráng ở Quảng Nam-Đà Nẵng, đó là bánh tráng cuốn thịt heo.
Đây là một trong những món ăn đầu tiên trong sổ tay du lịch của du khách mỗi khi đặt chân đến hai địa phương này. Từ một món ăn quen thuộc trong bàn ăn của nhiều gia đình, bánh tráng cuốn thịt heo đã trở thành món đặc sản, được "thương mại hóa" và trở thành món "chủ lực" trong thực đơn của nhiều quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ. Một phần bánh tráng cuốn thịt heo cho một người ăn thường gồm 1 dĩa thịt heo, mì lá, bánh tráng cuốn và các loại rau sống ăn kèm. Thịt heo được dùng cho món này thường là thịt heo ba chỉ hoặc thịt hai đầu da được luộc vừa chín tới. Thịt luộc khéo là miếng thịt có màu sáng đẹp, có vị ngọt, thơm. Rau sống ăn kèm là những loại rau củ quả như xà lách, húng quế, chuối chát, giá đỗ, hành lá, tía tô, dưa leo... Thịt và rau đều bảo đảm tươi ngon, sạch sẽ thì món ăn mới "bắt vị". Nhắc đến món bánh tráng cuốn thịt heo mà không nhắc đến nước chấm quả là một thiếu sót lớn. Tùy vào khẩu vị và sở thích của mỗi người, nước chấm có thể là nước mắm chanh tỏi ớt pha chút đường để tạo vị chua ngọt hoặc là mắm nêm pha vừa. Trong đó, mắm nêm thường là lựa chọn "số dách" với thịt heo luộc bởi hai món này không chỉ "ăn ý" với nhau trong món bánh tráng cuốn mà còn là hai thành phần chính tạo nên đặc trưng cho món bún mắm nêm đặc trưng của miền Trung. Mắm nêm pha có vị ngọt, cay, mặn vừa đủ, hòa thêm chút ớt và tỏi sẽ tạo nên thứ nước chấm tuyệt vời, đánh thức mọi giác quan của du khách khi thưởng thức. Bánh tráng sử dụng trong món ăn này là bánh tráng mỏng, có loại yêu cầu phải thoa nước để làm mềm bánh, có loại bánh mềm sẵn thì không cần thoa nước. Thao tác thưởng thức món ăn này cũng hết sức tinh tế: Trải một miếng bánh tráng đính kèm một miếng mì lá cắt nhỏ, sau đó cho lần lượt thịt, rau... rồi cuốn lại cho chặt. Chấm cuốn bánh tráng vào nước mắm nêm đã được pha sẵn, người ăn sẽ cảm nhận rõ vị ngọt thơm của thịt hòa trong vị hăng, thơm nồng của các loại rau, vị cay của ớt và chút đậm đà của mắm nêm. Tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng với bất kỳ ai đã từng thưởng thức bánh tráng cuốn thịt heo.
Tại Đà Nẵng, không khó để tìm ra những quán ăn bán bánh tráng cuốn cá nục và bánh tráng cuốn thịt heo. Hai món này thường được bán cùng với những món đặc trưng khác của xứ Quảng như mì Quảng và bún mắm nêm. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu trên bản đồ ẩm thực như: ẩm thực Bà Mua, ẩm thực Trần, bánh tráng thịt heo Mậu, bánh tráng thịt heo Đại Lộc, bánh tráng thịt heo Bà Hường...