Ngũ Hành Sơn hay còn gọi là núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm 5 ngọn núi đá vôi gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn. Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An.
Vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn như một kiệt tác về cảnh quan thiên nhiên huyền ảo, thơ mộng mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp này.
Ngũ Hành Sơn với vẻ đẹp kỳ bí của 5 ngọn núi nhưng mỗi ngọn đều mang cho mình một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên nơi thu hút nhiều du khách đến thăm nhất đó là ngọn Thủy Sơn nằm trên bãi đất rộng theo hướng Đông Bắc. Tại ngọn Thủy Sơn này có 16 điểm tham quan gồm 3 chùa, 5 động, 6 hang và 2 vọng. Để lên đến đỉnh ngọn Thủy Sơn thì có 2 con đường: Đi theo cổng phía tây của núi phải đi qua 156 bậc tam cấp sẽ dẫn đến chùa Tam Thai, nếu đi theo cổng phía đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng.
Điểm đầu tiên trong cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp của ngọn Thủy Sơn du khách sẽ được đến với Vọng Giang Đài là một vọng cao, đứng ở đây du khách có thể nhìn thấy bao quát cả 5 ngọn núi ở 4 hướng trong cụm Ngũ Hành Sơn, đứng ở đây du khách còn có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của một vùng đồng ruộng mênh mông của Đà Nẵng, Quảng Nam được các con sông Trường Giang, Cẩm Lệ bao quanh. Ở giữa vọng là một tấm bia bằng đá Trà Kiệu, trên mặt bia khắc 3 chữ Hán lớn “Vọng Giang Đài” (Đài ngắm sông) và một dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng năm dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” (Năm Minh Mạng thứ 18, tháng 7, ngày tốt).
Chùa Tam Thai: một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời vua Minh Mạng sở dĩ chùa có tên là Tam Thai vì “Tam” chỉ ba dãy núi phía sau chùa, “Thai” là cảnh quan thiên thai tuyệt đẹp của núi rừng nơi đây. Chùa Tam Thai được tọa lạc trên một khuôn viên bằng phẳng, có chu vi khoảng 200m. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời và chùa cũng đã qua 14 đời trụ trì. Tuy nhiên qua thời gian, chùa bị hư hỏng và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thiên tai nên chùa đã được trùng tu nhiều lần, trong đó có lần trùng tu quy mô và hoàn chỉnh nhất vào năm 1995. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng nét kiến trúc cổ kính nguyên sơ của chùa vẫn được lưu giữ lại như Đại Hồng Chuông, Tượng A Di Đà hay cổng Tam Quan rêu phong cổ kính có từ thời vua Minh Mạng, đến giờ vẫn còn được lưu giữ tại Chùa Tam Thai này.
Động Huyền Không: là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn, động Huyền Không nằm bên trong động Hoa Nghiêm. Động có hình dáng của một quả chuông lớn úp trên nền gạch Kim Thành bằng phẳng, rộng rãi và sạch sẽ, đỉnh động có nhiều lổ hổng tự nhiên mang theo ánh sáng và gió mát vào bên trong nên lòng động luôn mát mẻ và thoáng khí. Muốn vào được trong động du khách phải đi qua hơn 20 bậc cấp sâu xuống phía dưới, nền động thấp hơn 5m so với nền động Hoa Nghiêm, Tại cửa động là 4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp, đó là các vị thần Thiện và Ác cưỡi trên 4 con thú có diện mạo kỳ quái có nhiệm vụ gác cửa động. Chính giữa động ở trên cao thờ phật Thích Ca, phía dưới tượng Phật Thích ca là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ẩn mình trên vách là những hình thù hết sức kỳ thú được tạo nên từ những sắp xếp của đá: chim hạc, chim Đà Điểu, con cò với chiếc mỏ dài, đầu con voi với chiếc vòi thả xuống, bàn tay cầm bó hoa dâng lên cao, khuôn mặt ông già giận dữ... Có thể nói, vẻ đẹp của Huyền Không động khó bút mực nào tả hết được bởi sự kỳ diệu, huyền bí và hết sức quyến rũ với không gian huyễn hoặc. Ánh sáng xuyên qua màu xanh của cây cỏ từ đỉnh động chiếu xuống tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo, gặp lúc trời nắng to ánh sáng có màu vàng lấp lánh,nhìn rất đẹp. Có lẽ chính vì lẽ đó mà động đã có tên là Huyền Không.
Động Tàng Chơn: Nằm phía sau chùa Linh Ứng thuộc ngọn Thủy Sơn, động Tàng Chơn được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng. Động giống như một thung lũng nhỏ, thoáng đãng nhờ thông lên trời qua cửa hang “Thiên Long Cốc”. Động chia làm 3 hang và 3 động, từ ngoài vào qua cửa đá là động Chơn Tiên, chính giữa là bàn thờ Lão Tử, bên phải thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bên trái thờ Bát Bộ Kim Cương. Trong góc bên trái có lối đi dẫn đến một nền đá bằng phẳng, gió mát lạnh, đó lá hang Gió, hang thông với Thiên Long Cốc, gió lùa thoáng mát theo các lỗ thông với đỉnh núi và động Chơn Tiên.
Động Vân Thông: còn được gọi là "Đường lên trời" do động nằm trên vách núi cao, lòng động hình ống, đỉnh động cao hơn miệng động 40m, du khách phải chen người trèo lên, có đoạn rất tối, quanh co, ghồ ghề và chỉ đủ một người qua lọt, tạo cho du khách cảm giác vất vả và kỳ bí khi lên trời. Lên đến đỉnh động được hít thở không khí thoáng đãng, mát mẻ và thoải sức ngắm nhìn những cảnh đẹp nên thơ cùng với trời biển bao la bên dưới. Động Vân Thông có thờ tượng Phật A Di Đà và ngay phía sau lưng bàn thờ Phật là lối đi lên đỉnh trời.
Động Âm Phủ: Là hang lớn nhất và phức tạp hơn so với các quần thể hang động khác của thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, lòng động xuất hiện các khung cảnh tái hiện truyền thuyết về âm phủ như tượng "đầu trâu mặt ngựa" đang tùng xẻo người có tội, suối Giải Oan để gột rửa oan ức, cân Công Lý để cân nhắc công và tội con người... Nhiều hình phạt khủng khiếp với người mang tội khi bị đày xuống Địa Ngục được mô phỏng rõ nét như nấu dầu, ngồi bàn chông, bị trói vào cột đồng châm lửa đốt… đều được tái hiện ngay tại động Âm Phủ này.
Tháp Xá Lợi: được khởi công xây dựng vào cuối năm 1997 và hoàn thành vào cuối năm 2003. Với lối kiến trúc 7 tầng đăng đối, chiều cao khoảng 28m, xá lợi bảo tháp tựa viên ngọc bích soi mình xuống dải biển non nước. Tháp gồm 7 tầng và 6 cạnh, biểu hiện cho các khái niệm trong nhà Phật là Thất tình (7 thứ tình cảm của con người biểu hiện) 6 cạnh nghĩa là lục căn (6 giác quan của con người ), lục dục (6 điều ham muốn của con người). Từ đó sinh ra các cảnh giới, gọi là lục đạo (6 cõi). Từ tầng 1 đến tầng thứ 6 (tính từ dưới đất lên trên) thờ Bồ Tát. Riêng tầng thứ 7 trên cùng của bảo tháp lưu giữ một bảo vật là viên ngọc xá lợi của Đức Phật. Mục đích xây dựng của Tháp Xá Lợi là thờ các vị Bồ Tát và tưởng nhớ công ơn của các vị thiền sư đã có công gây dựng nên Ngũ Hành Sơn.
Chùa Linh Ứng: Tại Đà Nẵng có 3 ngôi chùa đều tên là Linh Ứng, trong đó ngôi chùa Linh Ứng Non Nước này là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất. Chùa Linh Ứng Non Nước được xây dung vào thế kỉ 17 lưng dựa vào núi, mặt xoay ra biển tuy đã trải qua một chặng đường khá dài với nhiều lần đổi tên và trùng tu nhưng ngôi chùa luôn tồn tại trong lòng du khách đến cầu an vãn cảnh một tâm tình rất đặc biệt. Diện mạo hiện tại của chùa rất bề thế, chính điện tôn nghiêm có nhà tổ, giảng đường, nhà khách, nhà thiền và nhà trù, đài quan âm và vườn cây cảnh. Ngôi chùa này là tiền thân của chùa Linh Ứng ở Bà Nà và Chùa Linh Ứng bãi bụt ngày nay.
Ngũ Hành Sơn một kiệt tác mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho thành phố Đà Nẵng không chỉ với vẻ đẹp muôn màu của 5 ngọn núi mà đến với Ngũ Hành Sơn du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng nghề làm đá non nước đã có từ rất lâu đời. Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những pho tượng được các nghệ nhân điêu khắc một cách tinh tế, tỉ mỉ trong từng công đoạn.